Dự luật cứu trợ Covid-19: Cộng Hòa và Dân Chủ khác nhau thế nào?
Các nghị sĩ Cộng Hòa chiếm đa số trong Thượng viện đã đưa ra dự luật cứu trợ coronavirus trị giá $1.000 tỷ vào chiều hôm nay thứ Hai 27-07, làm căn cứ để thảo luận gấp rút với các nghị sĩ Dân Chủ nhằm đạt tới một thỏa thuận sau cùng trình Tổng thống ký ban hành luật trước khi các khoản trợ cấp thất nghiệp theo luật CARES Act trước đây hết hiệu lực.
Các nghị sĩ Dân Chủ hồi tháng Năm đã đưa ra Hạ viện một dự luật cứu trợ tương tự, gọi là dự luật HEROES Act – đợt cứu trợ thứ năm kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ – với giá trị lên tới $3.500 tỷ nhưng chưa được Thượng viện xem xét
Tổng thống Trump ký luật CARES Act hồi tháng 3, theo đó chính phủ hỗ trợ mỗi người dân $1.200.
Bản dự luật của phía Cộng Hòa, gọi là dự luật HEALS Act, hình thành từ các cuộc thảo luận giữa phía Cộng Hòa với các quan chức lãnh đạo Tòa Bạch ốc; do các ông Bộ trưởng Ngân khố Stephen Mnuchin và Đổng lý Văn phòng Tòa Bạch ốc Mark Meadows đại diện.
Giữa hai dự luật của Dân Chủ và Cộng Hòa có nhiều chỗ khác nhau, từ quy mô của gói cứu trợ ($1.000 tỷ vs $3.500 tỷ) và các điều khoản cụ thể về trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng của dịch và nhiều vấn đề khác.
Quốc hội chỉ làm việc đến ngày 10-08, sau đó các nghị sĩ trở về địa phương chuẩn bị cho các đại hội đảng; vì thế trong tuần này hai phía Dân Chủ và Cộng Hòa phải thương lượng gấp rút, trên căn bản hai bản dự luật, để thống nhất một dự luật sau cùng trình tổng thống ban hành trước
ngày 10-08.
Những điểm khác nhau chính của hai dự luật như sau:
Về trợ cấp thất nghiệp: Đạo luật CARES ban hành hồi tháng Ba quy định người lao động thất nghiệp vì dịch coronavirus được chính phủ liên bang hỗ trợ $600/tuần lễ, thêm vào khoản trợ cấp thất nghiệp được hưởng theo quy định của từng tiểu bang. Khoản hỗ trợ thất nghiệp này sẽ chấm dứt vào ngày 31-07 tới.
Trong dự luật do nhánh Dân Chủ kiểm soát Hạ viện đề nghị, khoản trợ cấp thất nghiệp $600/tuần lễ sẽ tiếp tục được duy trì đến tháng 01-2021. Nếu như vậy, chính phủ liên bang sẽ phải chi ra thêm $15 tỷ mỗi tuần lễ.
Phía Cộng Hòa không đồng ý với đề nghị kéo dài khoản trợ cấp thất nghiệp $600/tuần; thay vì vậy dự luật của Cộng Hòa chỉ đồng ý mức trợ cấp thất nghiệp từ liên bang là $200/tuần lễ, kéo dài đến tháng 09-2020; trong thời gian này các cơ quan hữu quan sẽ tính toán sao cho khoản trợ cấp của liên bang và tiểu bang gộp lại chỉ bằng khoảng 70% tiền lương của người lao động trước khi mất việc.
Trợ cấp thất nghiệp là điểm gây bất đồng lớn nhất giữa hai phía Dân Chủ và Cộng Hòa. Phía Dân Chủ cho rằng cắt giảm tiền trợ cấp thất nghiệp như đề nghị của Cộng Hòa sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người Mỹ đang bị mất việc và khó khăn; phía Cộng Hòa cho rằng đề nghị của Dân Chủ quá hào phóng, không khuyến khích người thất nghiệp trở lại làm việc.
Dự luật của Cộng Hòa không đề ra việc hỗ trợ ngân sách chống dịch Covid-19 cho chính quyền các tiểu bang và địa phương, nhưng cho họ được linh hoạt sử dụng các nguồn hỗ trợ hiện hành từ liên bang. Dự luật của Dân chủ, trái lại, đề nghị dành ra gần $1.000 tỷ để hỗ trợ chính quyền tiểu bang và địa phương bù đắp phần ngân sách thiếu hụt do sụt giảm nguồn thu và tăng chi tiêu trong thời gian đại dịch.
Dự luật của Cộng Hòa đề nghị chi tiền trực tiếp cho người dân thêm một đợt nữa, dưới hình thức chuyển tiền trực tiếp vào trương mục ngân hàng hoặc gửi check tới nhà như đợt trước. Cộng Hòa đề nghị trợ cấp ở mức $1.200 mỗi người trưởng thành có thu nhập dưới $75.000/năm ($112.500/năm với cha/mẹ đơn thân, $150.000/năm với cặp vợ chồng) và giảm dần cho những
người có thu nhập cao hơn các mức trên.
Trong đợt trợ cấp trực tiếp trước đây, mỗi trẻ em dưới 16 tuổi được hưởng $500; lần này Dân Chủ muốn tăng mức trợ cấp cho trẻ em lên $1.200/em, mỗi gia đình tối đa 3 em. Nhưng Cộng Hòa muốn giữ nguyên mức cũ, $500/em và mở rộng diện người phụ thuộc, bao gồm cả những người trên 16 tuổi nhưng còn phụ thuộc, chẳng hạn như sinh viên đại học, người cao niên sống dựa vào con cái – là những diện không được trợ cấp trong đợt trước. Theo dự luật của Cộng Hòa, những người đã chết trước năm 2020, người nhập cư không có giấy tờ, nhập cư bất hợp pháp sẽ không được trợ cấp.
Việc tiếp tục trợ cấp $1.200 cho mỗi người dân có lẽ là điều khoản mà cả hai bên Dân Chủ và Cộng Hòa có quan điểm gần nhau nhất.
Các nghị sĩ Dân Chủ tại Thượng viện đề nghị dành ra $430 tỷ cho trường học – trong đó có $50 tỷ cho các cơ sở giữ trẻ – mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân, thực hiện các biện pháp y tế khác và thúc đẩy giáo dục, kể cả dạy học trực tiếp và dạy qua mạng. Nhưng phía Cộng Hòa không tán thành. Để giúp các trường trung tiểu học và đại học, dự luật của Cộng Hòa dành ra khoản ngân
sách $105 tỷ bù đắp chi phí của thời đại dịch, nhưng một số khoản hỗ trợ chỉ dành cho những trường học nào mở cửa dạy học trực tiếp thay cho dạy học qua mạng.
Phía Cộng Hòa đưa vào dự luật những biện pháp bảo vệ trường học, công ty và cơ sở y tế, làm cho việc kiện tụng các cơ quan này trở nên khó khăn hơn. Người dân sẽ khó khởi kiện công ty, nhà trường nếu con cái bị nhiễm virus khi đi học, người lớn bị nhiễm virus khi đi làm ở hãng xưởng hoặc đến các cơ sở y tế.
Dự luật của Cộng Hòa dành khoảng $16 tỷ cho việc xét nghiệm coronavirus, cộng với $9 tỷ còn lại từ đợt phân bổ trước. Dự luật của Dân Chủ đề ra khoảng $75 tỷ cho hoạt động xét nghiệm này.
Như vậy, giữa dự luật của Dân Chủ đưa ra Hạ viện hồi tháng Năm và dự luật của Cộng Hòa đưa ra Thượng viện hôm nay vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Không rõ trong vài ngày tới, hai đảng có thể thương lượng và thu hẹp bất đồng, đi tới một dự luật thống nhất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng như hiện nay hay không.