Đảo Guam có diện tích rộng gần 550 km2 nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cách Philippines gần 2.000 km về phía đông. Mặc dù không cách Việt Nam quá xa nhưng việc di chuyển đến Guam mất khá nhiều thời gian. Nếu di chuyển bằng đường hàng không và chỉ đổi chuyến một lần thì cũng có thể mất 12 giờ mới hoàn thành hành trình từ Việt Nam đến Guam.
Đảo Guam là một lãnh thổ hải ngoại có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Lãnh thổ có tổ chức là nền tảng pháp luật ở đảo này chịu sự chi phối của Mỹ bằng một đạo luật cụ thể, Guam có cơ quan nghị viện riêng. Ngoài ra, đảo Guam cũng có một đại diện trong hạ viện Mỹ nhưng mang tư cách quan sát viên, không được bỏ phiếu.
Về khái niệm “chưa hợp nhất” tức Guam chưa chính thức trở thành một phần lãnh thổ hợp nhất trong lãnh thổ quốc gia. Vì thế, Guam chưa được hưởng quy chế là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Mỹ và không trao đổi hay nhượng quyền.
Hiện có khoảng 200 người Việt tại đảo Guam, có tới bảy tám tiệm ăn do người Việt Nam làm chủ, tiệm nào cũng có món phở nhưng người địa phương thích nhất là món hủ tiếu nấu theo kiểu Việt Nam mà họ gọi là combination soup. Ở Guam chỉ có hai bác sĩ người Việt, còn phần đông là buôn bán. Có người từ California hay từ những tiểu bang khác qua Guam mở quán Karaôkê hay hộp đêm để phục vụ du lịch.
Người gốc Việt nổi tiếng nhất trong cộng đồng ở đây cũng như đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chị Mai Anh. Chị đã từng mang 80 con trâu bằng sợi bông thủy tinh to như thật từ Việt Nam sang để trang trí trên đường phố. Vợ chồng chị Mai Anh cũng giúp đỡ, kết nối nhiều các đối tác đầu tư vào Việt Nam và kết nối hãng Evar khảo sát mở chuyến tới đảo Guam.
Căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam
Lịch sử
Nhà hàng hải Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan phụng lệnh Vua Tây Ban Nha đã đến đảo năm 1521 trong chuyến đi vòng quanh trái đất. Tướng Miguel López de Legazpi tuyên bố chủ quyền Guam cho Tây Ban Nha năm 1565. Người Tây Ban Nha bắt đầu thuộc địa hóa lãnh thổ này năm 1668 khi Cha San Vitores đến nơi đây.
Ông thiết lập một cơ sở truyền đạo Công Giáo đầu tiên. Quần đảo lúc đó được cai trị từ Philippine như một phần của Đông Ấn thuộc Tây Ban Nha. Giữa năm 1668 và năm 1815, Guam là một nơi dừng chân quan trọng trên đường giao thương của Tây Ban Nha giữa Mexico và Philippines. Guam cùng với phần còn lại của Quần đảo Mariana và Quần đảo Caroline được Tây Ban Nha xem như một phần thuộc địa của họ tại Philippines. Trong khi nền văn hóa Chamorro là đơn lập, các nền văn hóa của cả Guam và Quần đảo Bắc Mariana bị ảnh hưởng truyền thống và văn hóa Tây Ban Nha rất nặng nề.
Mỹ chiếm đảo Guam năm 1898, sau Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Guam trở thành một trạm phục vụ cho các tàu chiến Hoa Kỳ đi lại từ Philippines trong khi Quần đảo Bắc Mariana sang tay qua Đức rồi Nhật Bản.
Một nhà sưu tầm chơi nhạc cụ truyền thống belembaotuyan của đảo Guam
Văn hóa
Văn hóa Chamorro truyền thống được thể hiện trong điệu múa, đi biển, nấu ăn, bắt đánh cá, các trò chơi (như batu, chonka, estuleks, và bayogu), các bài hát và kiểu cách bị ảnh hưởng bởi sự di dân của những người từ những nơi khác đến. Chính sách của Tây Ban Nha thời thuộc địa (16681898) là một chính sách thu phục và khuyến khích cải đạo sang Giáo hội Công giáo Rôma. Tình trạng dẫn đến việc loại dần các chiến binh nam của Guam và đẩy người Chamorro ra khỏi quê hương của họ.
Văn hóa cốt lõi của Chamorro là sự kết hợp phức tạp qui định xã hội đặt trọng tâm vào sự kính trọng: Từ việc hôn bàn tay của người già, lưu truyền những huyền thoại, bài hát, và các nghi lễ tán tỉnh, đến việc một người cầu xin tha thứ từ tổ tiên đã khuất khi đi vào rừng sâu. Những phong tục tập quán có từ trước khi Tây Ban Nha xâm chiếm bao gồm làm thuyền galaide, làm nhạc cụ belembaotuyan,…
Vịnh Tumon – một trong những bãi biển đẹp nhất ở Guam
Du lịch
Kinh tế của Guam chính yếu nhờ vào du lịch (đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) và các căn cứ quân sự của Mỹ. Vì vậy đảo Guam có chính sách Visa riêng của mình, trong đó 13 Quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Âu và châu Đại Dương sẽ được cho phép nhập cảnh vào hai vùng này theo dạng du lịch lên đến 45 ngày mà không cần phải xin Visa Mỹ, bao gồm các nước: Úc, Brunei, Hong Kong, Nhật Bản, Malaysia, Nauru, New Zealand, Papua New Guinea, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh Quốc (bao gồm cư dân ở các lãnh thổ hải ngoại).
Các nước còn lại nhập cảnh vào Guam cũng tương tự như nhập cảnh đến bất cứ nơi nào trên nước Mỹ. Trong những trường hợp nhập cảnh thông thường, người nước ngoài phải xin Visa Mỹ để nhập cảnh vào Guam.
Ca múa văn hóa truyền thống Chamorro ở đảo Guam
Đảo Guam là điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn với du khách thích trải nghiệm và khám phá thiên nhiên. Guam thu hút du khách đến đây tận hưởng và hòa mình vào các hoạt động như lặn, chèo thuyền, lướt sóng, phiêu lưu cùng những chú cá heo dễ thương… Những bãi biển xinh đẹp này còn là nơi tuyệt vời để ngắm cảnh hoàng hôn trên đảo.
Vịnh Tumon với các trung tâm mua sắm miễn thuế tuyệt vời: Guam Premier Outlets, Tumon Sands Plaza hay Micronesia Mall – nơi du khách có thể thỏa thích chọn lựa các sản phẩm thời trang, hàng hóa cao cấp chẳng khác gì ở Las Vegas, trang trí giao thoa với những góc phố đậm nét Nhật Bản hay Đài Loan, các món ăn mang đậm phong vị “xứ bò tót” với chút cay nồng của cơm cà ri trong bữa ăn của người bản địa.
Thăm quan ở đảo Guam thì có các điểm như: Công viên Paceo de Susana (nơi có tượng Nữ thần Tự do thu nhỏ), Bảo tàng Chiến tranh Thái Bình Dương, Pháo đài Apugan, vịnh Tumon, Công viên Latte Stone, Quảng trường Espana và Nhà thờ Agana, Two lover point.
Giải trí: Công viên Talofofo, Fall Resort Parkm Under Water World, Flea Market, Atlantis Submarine, Water Park, đảo Cocos.