OhmniLabs – robot của người Việt trên đất Mỹ
Sau gần 2 năm phát triển và thử nghiệm, OhmniLabs đã cho ra mắt sản phẩm robot có thể thay đổi hoàn toàn trải nghiệm giao tiếp từ xa của người dùng. Từng được biết đến với việc là một trong những người trẻ nhất nhận bằng Tiến sỹ Khoa học máy tính tại Đại học Stanford cùng vai trò đồng sáng lập nhiều startup công nghệ (trong đó có hai startup được Google và Weeby.co mua lại), Vũ Duy Thức giờ đây lại tiếp tục con đường khởi nghiệp của mình với OhmniLabs – startup robot thành lập vào tháng 8/2015 tại Thung lũng Silicon đã xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông tại Mỹ như New York Times, CNN, Techcrunch,… thời gian gần đây.
Anh Vũ Duy Thức (Co-founder/CEO OhmniLabs, ngoài cùng bên phải) cùng hai nhà đồng sáng lập bên sản phẩm robot Ohmni
Sản phẩm đầu tiên vừa ra mắt của OhmniLabs là Ohmni, một robot trong nhà cho phép người dùng kết nối với người thân qua video chat. Ohmni mang đến cho người dùng trải nghiệm tự nhiên như thể được tương tác, trò chuyện trực tiếp với người thân ở phương xa, trút bỏ những bất tiện của việc sử dụng máy tính/tablet thông thường khi nghe gọi.
Từng theo học ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Duy Thức chia sẻ rằng niềm đam mê với robot, đặc biệt là robot gia đình, đã thôi thúc anh chế tạo một sản phẩm vừa hỗ trợ đắc lực trong cuộc sống, vừa không quá phức tạp và có giá thành phải chăng cho người dùng.
Mặc dù robot đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng hầu hết vẫn chỉ được thiết kế phục vụ sản xuất công nghiệp, trong khi robot gia đình thì mới chỉ phổ biến hai loại dùng làm hút bụi và…đồ chơi. Ý tưởng về một robot giúp việc, với khởi đầu là giúp con người giao tiếp, tương tác từ xa thực sự chưa có mấy ai nghĩ tới.
Robot Ohmni cho phép bạn kết nối với người thân từ bất kì đâu, tại bất kì thời điểm nào.
Trên thực tế, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, lượng người cao tuổi trên thế giới được dự báo sẽ chạm ngưỡng 2,1 tỷ vào năm 2050.
Trong khi đó, với số nhân viên điều dưỡng đang có xu hướng giảm nhanh, người cao tuổi dễ rơi vào cảnh sống cô đơn khi tuổi già, thậm chí là có bệnh tật con cháu cũng không được biết.
Sau nhiều khảo sát, OhmniLabs kết luận rằng “những trải nghiệm được chia sẻ cùng nhau” như khi cùng ăn cơm, nấu nướng, đi dạo,… chính là thứ mà những người con xa nhà cảm thấy nhớ nhất về gia đình. Nhận thấy robot giao tiếp có thể mang lại nhiều giá trị lớn lao cho người cao tuổi, OhmniLabs chọn nhóm đối tượng này làm trọng tâm cho các sản phẩm của mình.
Chính vì vậy, robot Ohmni được thiết kế với hai nguyên tắc chính là tối đa hóa tương tác con người và hạn chế hết mức những phiền toái khi sử dụng. Cụ thể, chỉ cần mở gập, nhấn nút Power và kết nối với Wifi là xong. Toàn bộ chuyển động và cuộc gọi sẽ được người thân ở đầu bên kia thực hiện qua trình duyệt nhờ giao diện điều khiển MotionMap.
Điều này có nghĩa là 100% các tính năng của robot đều được kích hoạt và điều khiển từ xa nên người già không cần biết tiếng Anh hay am hiểu công nghệ cũng có thể dễ dàng sử dụng để giao tiếp với con cháu.
Ngay cả khi sống cách cha mẹ hàng ngàn dặm, bạn vẫn có thể sử dụng bàn phím trên desktop, touchpad trên laptop hoặc màn hình smartphone để điều khiển đường đi nước bước cũng như điểm nhìn của robot (quyền điều khiển robot sẽ được chia sẻ cho người thân qua tài khoản Google hoặc Facebook).
Với OhmniLabs, bạn có thể trực tiếp tham gia vào cuộc sống của họ chứ không chỉ đơn thuần nghe gọi như qua điện thoại hay máy tính thông thường. Về cấu trúc, robot Ohmni bao gồm phần đế được gắn 3 bánh xe, phần thân (chứa loa) cao hơn 1,5m cùng phần đầu bao gồm camera kép góc rộng và màn hình tablet hiển thị hình ảnh của người gọi.
Cũng vì cấu thành nhỏ gọn nên Ohmni chỉ nặng 10kg, khá dễ dàng gấp gọn và mang vác, đồng thời có thể tham gia vào các công việc hàng ngày của người dùng như dạo bộ, nấu nướng, xem TV,…
Với phần đầu linh hoạt, Ohmni có thể gật và xoay như người thật theo điều khiển của người gọi video, giúp người dùng có cảm giác như người thân của họ đang hiện diện ngay bên cạnh. Pin sản phẩm sẽ chạy được khoảng 5-6 tiếng liên tục.
Thiết bị này cũng tích hợp AI giúp nhận diện được dock sạc không dây đặt trong nhà để lăn bánh tới sạc khi hết pin mà không cần đến sự can thiệp của người sử dụng. Ohmni hiện đang được bán ra với giá từ 1399 USD, phân phối toàn cầu qua dự án gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo.
Nhà sáng lập OhmniLabs chia sẻ để tiết giảm giá thành, công ty hoàn toàn sử dụng máy in 3D để tạo ra các bộ phận cấu thành phần vỏ robot.
Anh Thức cũng cho biết dự kiến ở các phiên bản sau, Ohmni sẽ được phát triển thêm các tính năng mới như hỗ trợ người già nâng đỡ đồ vật, mở cửa, bật tắt đèn, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa hay xa hơn nữa là chăm sóc sức khỏe.
Những tính năng như đo và theo dõi nhịp tim, huyết áp, lượng đường trong máu,… sẽ giúp người cao tuổi và con cháu ở xa theo dõi sức khỏe một cách nhanh gọn mà không cần phải mua về quá nhiều máy móc hay tới bệnh viện liên tục.
Một điều thú vị khác là Ohmni ngay từ đầu đã được tạo ra như một nền tảng mở qua OhmniAPI – API được thiết kế giúp cho việc lập trình robot trở nên nhanh chóng như phát triển web app. Các doanh nghiệp và nhà phát triển bên ngoài hoàn toàn có thể xây dựng các ứng dụng đồng bộ vào phần mềm của Ohmni.
Hiện tại, robot Ohmni đã được đồng bộ với trợ lý ảo Alexa trên Amazon Echo để thực hiện các tác vụ tự động trong nhà khi không có cuộc gọi.
💖 Vũ Duy Thức là cựu học sinh chuyên tin Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), từng đoạt nhiều giải nhất quốc gia về tin học ở các cuộc thi tại VN lẫn Hoa Kỳ, bạn cũng có nhiều công trình nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) và đoạt giải thưởng “Sinh viên ưu tú nhất” của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA), Duy Thức được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ tại bảy trường hàng đầu của Mỹ: MIT, Stanford, Carnegie Mellon, Berkeley…
Duy Thức tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại ĐH Stanford năm 28 tuổi.