Mỹ: Một tuần biểu tình và bạo loạn
Hôm nay Chủ nhật 31-05, hàng chục ngàn người biểu tình vẫn đổ ra đường phố khắp nước Mỹ; các cuộc biểu tình hòa bình phản đối cảnh sát lạm dụng vũ lực giết hại người da đen đã bị lấn át bởi những cuộc bạo loạn tàn phá nhiều khu phố, khu thương mại trong các thành phố từ Bờ Đông tới Bờ Tây nước Mỹ và gây những cảm xúc trái chiều trong dư luận xã hội.
Chính quyền các thành phố và tiểu bang đã huy động hàng ngàn Vệ binh Quốc gia phối hợp với cảnh sát địa phương, thực thi các lệnh giới nghiêm; ngừng hoạt động hệ thống giao thông công cộng nhưng vẫn không ngăn được tình trạng hỗn loạn bùng phát và lan rộng. Một số chuỗi cửa hàng bán lẻ như Target, CVS thông báo đóng cửa nhiều cửa hàng khắp cả nước sau khi bị người biểu tình đập phá và hôi của.
Người biểu tình quá khích đốt xe cảnh sát
Ở Philadelphia, người biểu tình ném đá và chai đựng xăng cháy (Molotov) vào cảnh sát; ở San Francisco đám đông đeo mặt nạ tràn vào các cửa hiệu sang trọng vơ vét hàng hóa. Ở Minneapolis, nơi phong trào biểu tình khởi phát sau sự kiện anh George Flyod người da đen bị một viên cảnh sát da trắng là Derek Chauvin chèn cổ đến chết mặc anh van xin, một người lái xe
bồn đã lao nguyên chiếc xe vào đoàn người biểu tình trước khi bị đám đông lôi xuống khỏi xe, đánh đập thậm tệ và bị bắt giữ ngay tại chỗ.
Căng thẳng lên cao ở khu vực thủ đô Washington D.C., hơn 1.000 người biểu tình tụ tập trong Công viên Lafayette đối diện với cổng chính Tòa Bạch ốc. Cảnh sát và lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống đã bắn lựu đạn cay và đạn cao su vào đám đông người biểu tình để giải tán họ; sau đó đám đông tản ra các khu phố chung quanh, thu thập các biển báo giao thông, thùng rác và
hàng rào nhựa đốt lên thành những đám lửa lớn. Toàn bộ lực lượng Vệ binh Quốc gia của thủ đô, khoảng 1.700 binh sĩ – đã được huy động để bảo vệ các cơ quan trọng yếu của chính phủ, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng. Chính quyền thủ đô ban bố lệnh giới nghiêm từ 11:00 đêm Chủ nhật 31-05-2020 và cảnh sát lập hàng rào ngăn người biểu tình ở khoảng cách một dặm từ hàng rào của Tòa Bạch ốc.
Theo tổng hợp của báo chí, đã có khoảng 4.100 người bị bắt giữ sau mấy ngày biểu tình vì can tội phá hoại, hôi của, cản trở giao thông trên xa lộ và vi phạm lệnh giới nghiêm.
Cảnh sát quỳ gối thể hiện sự cầu thị và đứng về phía những người biểu tình ôn hòa.
Nhưng hàng ngàn người khác vẫn tiếp tục biểu tình ôn hòa đòi công lý cho người da đen bị giết và cải cách lực lượng thực thi pháp luật, đồng thời lên án các hành động bạo lực, phá hoại, phóng hỏa, ăn cắp và hôi của của những kẻ quá khích.
Viên cảnh sát Derek Chauvin, kẻ đã chèn cổ anh George Flyod tới chết, đã bị bắt giam và bị cáo buộc tộc giết người cấp độ ba, tội ngộ sát cấp độ hai. Ba viên cảnh sát khác có mặt tại hiện trường và tòng phạm với Chauvin đã bị đuổi việc. Những người biểu tình đòi hỏi ba viên cảnh sát này cũng phải bị bắt giam và buộc tội.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các vụ biểu tình là cái chết bi thảm của anh George Flyod và hành động bạo lực phi nhân tính của viên cảnh sát Derek Chauvin; nhưng sâu xa hơn, sự kiện này khơi dậy mâu thuẫn sắc tộc giữa người Mỹ da trắng có gốc gác từ châu Âu và người Mỹ da đen có tổ tiên là người châu Phi. Mâu thuẫn tồn tại dai dẳng từ thuở Hoa Kỳ mới lập quốc, qua nhiều thời kỳ đấu tranh lâu dài tưởng đã được giải quyết xong nhưng gần đây lại nổi lên với sự bành trướng của tư tưởng “da trắng thượng đẳng” (white supremacy), kỳ thị người nhập cư, người da màu và mọi sắc dân thiểu số không phải da trắng.
GOD BLESS AMERICA
GOD BLESS ALL OF US