Hãng cho thuê xe Hertz vào Việt Nam
Bảy năm sau lần đầu gia nhập thị trường cho thuê xe hơi tại Việt Nam thất bại, Công Ty Hertz Global Holdings của Mỹ trở lại Việt Nam thông qua nhượng quyền cho một đối tác.
Trước đó, vào giữa năm 2012, Hertz nhượng quyền cho một doanh nghiệp về dịch vụ hàng không, giao thông và hậu cần tại Việt Nam với tư cách tổng đại lý kinh doanh. Tuy nhiên, sự hợp tác sau đó thất bại do “mô hình kinh doanh chưa phù hợp với nhu cầu của khách hàng.”
Theo báo VNExpress ngày 27 Tháng Tám, 2019, trong lần thứ hai nhượng quyền này, Hertz cung cấp ba nhóm dịch vụ chính là thuê xe hơi tự lái, thuê xe hơi có tài xế (thông thạo ngoại ngữ) và cho thuê xe hơi dài hạn.
Hãng cho thuê xe hơi lớn nhất của Mỹ hoạt động tại Việt Nam với ba thương hiệu gồm Dollar, Thrifty dành cho khách du lịch và Hertz dành cho nhóm khách hàng cao cấp, có nhu cầu sử dụng xe hơi đời mới. Đội xe của Hertz bao gồm nhiều nhãn hiệu khác nhau từ Ford, Chevrolet, Toyota, Nissan, Honda, Hyundai, Kia cho tới những chiếc xe sang trọng như Mercedes, Infiniti, Cadillac, BMW, Audi…
Tùy từng thị trường và nhu cầu cụ thể của khách hàng mà Hertz cung cấp những thương hiệu và dòng xe phù hợp. Ông Nìm Vuồn Phu, đại diện New City Rent A Car, đơn vị nhận nhượng quyền từ Herzt, cho biết Sài Gòn là thị trường trọng điểm trong thời gian đầu và đến cuối năm nay sẽ mở rộng hoạt động tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Đội xe của hãng hiện có 40 chiếc, dự kiến sẽ tăng lên 1,000 chiếc vào cuối năm 2020. “Herzt nhắm đến đối tượng là người ngoại quốc đến Việt Nam công tác và du lịch.
Chúng tôi cũng đang tìm thêm khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu thuê xe dài hạn hoặc đưa đón lãnh đạo, đối tác, nhân viên…,” ông Phu cho hay. Khi các dịch vụ cho thuê xe hơi tự lái dạng nhỏ lẻ, tự phát ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, thì một mô hình chuyên nghiệp như Hertz có thể là giải pháp phù hợp ở các thành phố lớn tại Việt Nam hiện nay.
Tin cho biết, hiện tại ở Mỹ có rất nhiều hãng chuyên làm dịch vụ cho thuê xe hơi như Hertz, Clutch, Carma Car, Flexdrive, Turo… với trị giá khoảng $30 tỷ một năm.