COVID-19: Thế lực đứng sau biểu tình chống phong tỏa ở Mỹ
Nhìn vào bề ngoài những đoạn quảng cáo trên mạng xã hội nhằm phản đối phong tỏa tại Mỹ dường như tự phát và dân chủ quá đà của người dân nước này nhưng thực ra đằng sau là một mạng lưới quyền lực.
“Mọi người đang nổi dậy chống lại những lệnh phong tỏa điên rồ này. Chúng ta đang đấu tranh để yêu cầu các quan chức do chúng ta bầu ra mở cửa nước Mỹ trở lại”, một đoạn quảng cáo trên Facebook kêu gọi người Mỹ xuống đường biểu tình gần đây viết.
Loạt bài đăng trên do Dự án Công ước Các bang Mỹ tài trợ. Sáng kiến này ra đời năm 2015, đặt mục tiêu kiềm chế quyền lực liên bang và nhận được khoản quyên góp lớn từ quỹ gia đình của tỷ phú Robert Mercer, một nhà quản lý quỹ đầu tư, đồng thời là người bảo trợ cho đảng Cộng hòa.
Sáng kiến còn nhận được sự ủng hộ từ hai thành viên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, gồm Ken Cuccinelli, quyền giám đốc Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ, và Ben Carson, Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ. Thống đốc Florida Ron DeSantis, một đồng minh thân cận của Trump và là người đang theo đuổi kế hoạch tái mở cửa kinh tế, cũng tán thành sáng kiến này.
Biểu tình chống lệnh phong tỏa tại thành phố Denver, bang Colorado, Mỹ hôm 19/4. Dự án Công ước Các bang Mỹ hiện sử dụng mạng lưới bao trùm toàn quốc của họ để kết nối những cuộc biểu tình rải rác trên cả nước. “Chúng tôi cung cấp một nền tảng kỹ thuật số giúp mọi người lên kế hoạch và liên lạc về những gì họ đang làm”, Eric O’Keefe, chủ tịch hội đồng quản trị của Công dân Tự quản (CSG), tổ chức chính trị phi lợi nhuận quản lý Dự án Công ước Các bang Mỹ, cho biết.
“Thật hà khắc khi đóng cửa các hạt thuộc vùng nông thôn của chúng tôi chỉ vì những gì diễn ra ở thành phố New York, hay một số khu vực tại thành phố Milwaukee”, O’Keefe, người đang sống ở bang Wisconsin, nói thêm. Nhà hoạt động bảo thủ này là cộng sự lâu năm của nhà Koch, một trong những gia tộc giàu nhất thế giới.
Những hoạt động của dự án dường như mang lại cảm giác làn sóng phản đối cách biệt cộng đồng ở nước Mỹ đang lan rộng hơn so với thực tế. Các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người Mỹ ủng hộ chỉ thị của thống đốc các bang và thị trưởng thành phố khuyến khích họ ở nhà, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận hơn 842.000 ca nhiễm nCoV và gần 47.000 người chết. Giới chức y tế cũng cho rằng loạt biện pháp hạn chế sâu rộng là chiến lược chống dịch hiệu quả nhất khi chưa có vaccine.
Bất chấp điều đó, một số nhà hoạt động vẫn khẳng định các bang nên gỡ kiểm soát đối với hoạt động thương mại và việc tập trung nơi công cộng, với lý do các biện pháp hạn chế này ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp. Họ dường như có thêm động lực khi Tổng thống Trump ca ngợi đám đông biểu tình đòi tái mở cửa nước Mỹ là “những người tuyệt vời”.
Giữa lúc phe cánh hữu ngày càng bức bối, một số địa phương đã đưa ra những thay đổi chính sách quan trọng, đặc biệt là các bang có thống đốc thuộc đảng Cộng hòa. Georgia, Nam Carolina và Tennessee gần đây bắt đầu nới lỏng hạn chế sau những ngày áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
Theo bình luận viên Isaac Stanley-Becker và Tony Romm của Washington Post, y tế cộng đồng là một trọng tâm bất thường của Dự án Công ước Các bang Mỹ. Sáng kiến ra đời nhằm thúc đẩy xây dựng một công ước để đề xuất các điều khoản sửa hiến pháp. Chiến dịch chống các biện pháp phòng ngừa nCoV hiện nay của dự án cũng xuất phát từ động lực đối đầu với chính quyền.
“Những mệnh lệnh đầy áp bức của chính quyền can thiệp vào các quyền tự do cơ bản nhất của chúng ta và sẽ gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích”, bài đăng trên Facebook của dự án viết.
Tính đến tối 21/3, mẩu quảng cáo này đã được xem tới 36.000 lần. Dự án còn kêu gọi quyên góp 5 USD “để hỗ trợ cuộc đấu tranh”. Chiến dịch trực tuyến có tên “Mở cửa các bang” của nhóm này bao gồm thành lập những trang web mới, tạo bản kiến nghị thu thập dữ liệu và một video bày tỏ quan ngại về tác động kinh tế của lệnh phong tỏa.
Các cuộc biểu tình phản đối lệnh hạn chế tại một số bang như Washington và Pennsylvania đã thu hút sự chú ý và bị vài thống đốc, cũng như các nhà dịch tễ học, chỉ trích. Giới chuyên gia cảnh báo việc tái mở cửa một cách đột ngột và tràn lan có nguy cơ khiến đại dịch tồi tệ hơn, gây quá tải bệnh viện và giết chết hàng chục nghìn người.
Tuy nhiên, người biểu tình không trút giận lên Trump, dù loạt lệnh hạn chế xuất phát từ khuyến cáo của các chuyên gia trong chính phủ. Thậm chí sau những dòng tweet ủng hộ của Tổng thống Mỹ, hàng chục nghìn người đã tham gia các nhóm kêu gọi biểu tình trên Facebook tại nhiều bang, như Pennsylvania và Ohio. Phe bảo thủ gần đây chú ý đến bang Wisconsin, nơi vài chục người biểu tình đã kéo tới trụ sở cơ quan lập pháp bang để bày tỏ nỗi thất vọng với Thống đốc Tony Evers, sau khi ông ra lệnh kéo dài lệnh cách biệt cộng đồng đến cuối tháng 5.
Stephen Moore, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016, tiết lộ ông “đang hợp tác với một nhóm” tại Wisconsin để phản đối những bất công từ chính quyền bang, nói thêm rằng ông đã tìm được một nhà tài trợ lớn ủng hộ nỗ lực này.
Tại bang Michigan, trong số những người tổ chức biểu tình phản đối lệnh phong tỏa có Meshawn Maddock, thành viên ban cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump. Ngân sách nhằm thúc đẩy hoạt động trên Facebook đến từ Quỹ Tự do Michigan, tổ chức phi lợi nhuận do Greg McNeilly, cố vấn lâu năm của gia đình Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos, đứng đầu.
GOD BLESS ALL OF US
GOD BLESS THE WORLD