Bản dịch: Công hàm của Mỹ gửi LHQ về biển Đông

Bản dịch: Công hàm của Mỹ gửi LHQ về biển Đông

Bản dịch: Công hàm của Mỹ gửi LHQ về biển Đông

1 tháng 6 năm 2020
Ngài António Guterres
Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc New York, New York, 10017
Thưa Ngài,
Tôi vinh hạnh nói tới Công hàm số CML/14/2019 do Phái bộ thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi cho Ngài vào ngày 12 tháng 12 năm 2019 để phản ứng lại hồ sơ của Malaysia nộp cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) ngày 12 tháng 12 năm 2019. Trao đổi này chỉ liên quan đến các quan điểm do Trung Quốc (TQ) đã bày tỏ liên quan đến yêu sách biển của họ ở biển Đông và không bình luận về hồ sơ Malaysia nộp cho CLCS. Vì công hàm của TQ khẳng định các yêu sách biển quá đáng không phù hợp với luật biển quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982 (sau đây gọi là “Công ước”), và vì những yêu sách đó có mục đích can thiệp bất hợp pháp vào các quyền lợi và quyền tự do mà Hoa Kì và tất cả các quốc gia khác được hưởng, Hoa Kì xem là thiết yếu phải nhắc lại các phản đối chính thức của mình đối với những khẳng định bất hợp pháp này và diễn đạt luật biển quốc tế có liên quan như được phản ánh trong Công ước.
Trong công hàm, TQ đưa ra những khẳng định sau:
• TQ có chủ quyền đối với các đảo ở Nam Hải (biển Đông), bao gồm quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Macclesfield) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa);
• TQ có nội thuỷ, lãnh hải và vùng tiếp giáp, dựa trên các đảo ỏ Nam Hải;
• TQ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, dựa trên các đảo ỏ Nam Hải;
• TQ có quyền lịch sử ở biển Đông.
TQ đã đưa ra những khẳng định tương tự ngay sau phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 vụ Trọng tài biển Đông (Cộng hòa Philippines v. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) do tòa trọng tài được thành lập theo Phần XV của Công ước (sau đây gọi là “Tòa”) công bố. Hoa Kì đã phản đối những khẳng định đó trong tuyên bố phản bác và công hàm vào ngày 28 tháng 12 năm 2016 (kèm theo).(1) Hoa Kì nhắc lại những phản đối trước đây đối với các yêu sách biển của TQ.
Cụ thể, Hoa Kì phản đối yêu sách về “quyền lịch sử” của TQ ở Biển Đông ở nhưng chỗ yêu sách đó vượt quá các quyền lợi biển mà TQ có thể khẳng định phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước.(2) Về vấn đề này Hoa Kì lưu ý răng Toà đã nhất trí 100 % kết luận trong phán quyết— vốn là quyết định cuối cùng và ràng buộc đối với TQ và Philippines theo Điều 296 của Công ước— rằng yêu sách của TQ về các quyền lịch sử không phù hợp với Công ước ở nhưng chỗ mà nó vượt quá giới hạn các khu vực biển mà TQ có thể có được như được quy định cụ thể trong Công ước.
Ngoài ra, Hoa Kì nhắc lại các phản đối trước đây đối với bất kì yêu sách nào về vùng nội thuỷ giữa các đảo rải rác mà TQ yêu sách chủ quyền ở biển Đông và bất kì yêu sách nào về các khu vực biển phát xuất từ việc coi các nhóm đảo ở biển Đông là một nhóm chung với nhau. Công ước quy định rõ ràng và toàn diện các trường hợp theo đó các quốc gia ven biển có thể đi chệch khỏi đường cơ sở thông thường. Điều 5 của Công ước quy định một cách rõ ràng và không nhập nhằng rằng phải áp dụng đường cơ sở thông thường “ngoại trừ chỗ được quy định khác trong Công ước này.” Không có điều khoản nào của Công ước thiết lập một ngoại lệ áp dụng cho đường cơ sở thông thường cho phép TQ bao bọc các đảo rải rác và các thể địa lí mà TQ khẳng định chủ quyền ở biển Đông trong một hệ thống đường cơ sở thẳng hoặc đường cơ sở quần đảo.
Hơn nữa, Hoa Kì phản đối bất kì quyền lợi biển nào được yêu sách dựa trên các thể địa lí không phải là đảo theo nghĩa của Điều 121 (1) của Công ước(3) và do đó không tạo ra các khu vực biển của riêng mình theo luật quốc tế. TQ không thể khẳng định chủ quyền đối với hoặc yêu sách các khu vực biển xuất phát từ các thể địa lí chìm hoàn toàn như bãi ngầm Macclesfield hoặc James, hoặc các thể địa lí như đá Vành Khăn (Mischief Reef) và bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), mà ở trạng thái tự nhiên chúng là các bãi triều thấp (LTE)(4) vốn vượt ngoài quyền lợi biển được sinh ra từ lãnh thổ đất. Các thể địa lí như thế không tạo thành một phần lãnh thổ đất liền của một quốc gia theo nghĩa pháp lí, nghĩa là chúng không thể bị chiếm lấy àm của riêng và không thể sinh ra một lãnh hải hoặc các khu vực biển khác theo luật quốc tế.(5) Những lập trường này ăn khớp với quyết định của Toà trong vụ Trọng tài biển Đông.
Khi khẳng định các yêu sách biển rộng lớn như vậy ở biển Đông, TQ có ý định hạn chế các quyền và tự do, bao gồm các quyền và tự do đi lại trên biển mà tất cả các quốc gia được hưởng. Hoa Kì phản đối các yêu sách này ở chỗ chúng vượt quá các quyền lợi mà TQ có thể đòi hỏi theo luật quốc tế như được phản ánh trong Công ước. Hoa Kì lưu ý rằng chính phủ Philippines,(6) Việt Nam(7) và Indonesia(8) đã chuyển tải một cách riêng biệt những phản đối pháp lí của họ đối với các yêu sách biển được nêu trong công hàm số CML/14/2019 của TQ. Hoa Kì một lần nữa kêu gọi TQ điều chỉnh các yêu sách biển của mình theo đúng luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước; tuân thủ quyết định ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Toà; và chấm dứt các hoạt động khiêu khích ở biển Đông.
Tôi yêu cầu Ngài lưu hành thư kèm theo cho tất cả các quốc gia thành viên LHQ dưới dạng tài liệu của Đại hội đồng theo Mục 74(a) Chương trình nghị sự và của Hội đồng Bảo an, và Ngài đăng nó trên trang web của Phòng Pháp chế, Bộ phận cho các vấn đề đại dương và luật biển.
Xin Ngài vui lòng chấp nhận sự đảm bảo lần nữa rằng tôi đã xem xét cặn kẽ nhất.
Chân thành,
Kelly Craft
Đại sứ
Đại diện Hoa Kì tại Liên Hiệp Quốc
———
(1) Công hàm sau đó đã được xuất bản trong Digest of United States Practice in International Law
(2016), số 520-22, có tại https://www.state.gov/…/20…/05/2016-Digest-United-States.pdf.
(2) Một đánh giá chi tiết về các yêu sách biển ở biển Đông của Trung Quốc đã được công bố vào
năm 2014 trong ấn phẩm của Bộ Ngoại giao Hoa Kì Limits in the Seas No. 143—China: Maritime
Claims in the South China Sea, có sẵn tại https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/10/LIS-
143.pdf. Ấn phẩm đó tiếp tục phản ánh quan điểm của Hoa Kì liên quan đến sự bất hợp pháp của
yêu sách về quyền lịch sử của TQ ở biển Đông.
(3) Một đảo theo định nghĩa trong Điều 121 (1) của Công ước là một vùng đất hình thành tự nhiên,
có nước bao quanh, nằm trên mặt nước khi triều cao.
(4) Như được phản ánh trong Công ước Điều 13 (1), bãi triều thấp (low tide elevation) là một vùng
đất hình thành tự nhiên, có nước bao quanh và trên mặt nước khi triều thấp nhưng bị ngập khi
triều cao.
(5) Do đó, liên quan đến sự khẳng định rằng “TQ có chủ quyền đối với Nanhai Zhudao, bao gồm
Dongsha Qundao, Xisha Qundao, Zhongsha Qundao và Nansha Qundao,” Hoa Kì ghi nhận rằng
dù TQ và các bên yêu sách biển Đông tuyên bố các yêu sách lãnh thổ tranh chấp nhau đối với các
đảo nằm trong biển Đông, không quốc gia nào có thể tuyên bố một cách hợp pháp yêu sách chủ
quyền lãnh thổ hoặc chủ quyền đối với các thể địa lí không phải là đảo (theo nghĩa của Điều 121
(1) của Công ước) hoặc đối với các khu vực biển ngoài lãnh hải được tạo ra từ đường cơ sở thông
thường (hoặc đường cơ sở khác có thể áp dụng được như được phản ánh trong các quy định của
Công ước) của các đảo riêng lẻ đó.
(6) Công hàm của Philippines số 000191-2020 (ngày 6 tháng 3 năm 2020), có tại
https://www.un.org/…/mys_12_12…/2020_03_06_PHL_NV_UN_001.pdf.
(7) Công hàm của Việt Nam số 22/HC-2020 (ngày 30 tháng 3 năm 2020), có tại
https://www.un.org/…/subm…/mys_12_12_2019/VN20200330_ENG.pdf.
(8) Công hàm của Indonesia số 126/POL-703/V/20 (ngày 26 tháng 5 năm 2020), có tại
https://www.un.org/…/m…/2020_05_26_IDN_NV_UN_001_English.pdf