Chính phủ Mỹ phát tiền hỗ trợ dân chống dịch Covid-19

Chính phủ Mỹ phát tiền hỗ trợ dân chống dịch Covid-19

Để giảm bớt thiệt hại do dịch cúm Vũ Hán gây ra, mỗi công dân Mỹ có thể được nhận tấm séc (check) 1.000 USD hoặc hơn trong vài tuần tới, các nhà lãnh đạo chính trị hiện đang cùng nhau soạn thảo kế hoạch đối phó vụ khủng hoảng và ngăn chặn tình trạng người dân bị phá sản.

Ý tưởng phát tiền cho dân được Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Cộng hòa, Utah) đưa ra hôm qua thứ Hai 16-03, với đề nghị mỗi người trưởng thành được nhận 1.000 USD “ngay lập tức”. Và thứ Ba 17-03, đề nghị này được các nhà lập pháp cả hai đảng, và Tổng thống D. Trump ủng hộ. Tòa Bạch ốc cho rằng, số tiền có thể cao hơn 1.000 USD do nền kinh tế bị tác hại nặng hơn dự tính.

Bộ trưởng Tài chính S. Mnuchin

Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin trong buổi họp báo công bố dự định phát tiền hỗ trợ dân chúng

Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin đang phối hợp với các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện soạn thảo một kế hoạch kích thích kinh tế có giá trị khoảng 1.000 tỷ USD, trong đó có biện pháp phát trực tiếp cho mỗi người Mỹ trưởng thành số tiền 1.000 USD.

Nếu thực thi, biện pháp phát tiền này sẽ tiêu tốn của ngân sách khoảng 250 tỷ USD. Bộ trưởng Mnuchin nói “Chúng tôi đang xem xét gửi séc (check) cho người Mỹ ngay lập tức,” và thêm rằng Tổng thống Trump muốn mọi người nhận được tiền “trong vòng hai tuần tới”. Đây không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Nước Mỹ đã hai lần phát tiền cho dân xài.

Năm 2001, đại đa số người Mỹ được nhận 300 USD mỗi người. Năm 2008, mỗi người Mỹ trưởng thành được nhận từ 300 đến 600 USD, trẻ em được 300 USD. Tiền được phát cho gần như tất cả những ai không phải là triệu phú tỷ phú, đã được hoàn thuế và có số an sinh xã hội. Những người có mức thu nhập dưới 75.000 USD mỗi năm được nhận đủ số tiền, người giàu có thì nhận được ít hơn.

Tiền được phát dưới hình thức séc (check) gửi tới nhà hoặc chuyển thẳng (deposit) vào tài khoản ngân hàng của người nhận. Đa số các nhà kinh tế thuộc các trường phái khác nhau đều hoan nghênh ý tưởng này vì nó đơn giản và nhanh chóng. Không giống như các khoản trợ giúp khác của chính phủ – như bảo hiểm thất nghiệp, an ninh xã hội hoặc thực phẩm – việc phát tiền này không đòi hỏi người nhận phải nộp đơn ghi danh, cũng không hạn chế mục đích sử dụng tiền.

Các chuyên gia dự tính, kinh tế Mỹ đang dần trì trệ, thất nghiệp tăng và có thể lên mức hàng triệu người. Số tiền 1.000 USD không đủ để bù vào thu nhập bị sụt giảm của người dân nhưng đó là bước đầu tiên tốt đẹp giúp người dân mua thực phẩm và trả tiền thuê nhà. Số tiền 1.000 USD tương đương mức thu nhập một tuần của một người lao động tiêu biểu; theo dữ liệu của Bộ Lao động, mức trung vị (median) tiền lương tuần của một người làm việc toàn thời gian là 936 USD.  

Trong những lần phát tiền trước đây, người thu nhập thấp thường dùng số tiền này để trả hóa đơn và mua sắm những mặt hàng thiết yếu, từ đó góp phần kích thích kinh tế. Nghiên cứu các lần phát tiền năm 2001 và 2008 cho thấy, hai phần ba số tiền mà chính phủ phát ra đã được xài hết trong chưa đầy sáu tháng. Người Mỹ nói chung bị bịnh thiếu tiền kinh niên, có tiền vô là họ tiêu ngay.

Nhưng cũng có vài thắc mắc quanh kế hoạch phát tiền. Có người đặt vấn đề, liệu có khôn ngoan không khi chính phủ phát tiền ra giữa lúc phần lớn người dân phải “ở yên trong nhà” để tránh bị lây nhiễm coronavirus. Có người cho rằng, người giàu thì không nên được “nhận check” bởi vì họ đâu cần tiền.

Bộ trưởng Mnuchin nói rằng, lần này các triệu phú sẽ không được nhận check. Vài Dân biểu đảng Dân chủ như Tim Ryan (Ohio) và Ro Khanna (California) đề nghị chính phủ nên phát ít nhất 1.000 USD cho mỗi người có thu nhập hàng năm dưới 65.000 USD, và sẽ có khoảng 75% cử tri Mỹ thuộc diện này.

Một kế hoạch của đảng Dân chủ do Thượng nghị sĩ Michael F. Bennet (Colorado) Cory Booker (New Jersey) và Sherrod Brown (Ohio) thậm chí còn đi xa hơn: đề nghị phát cho mỗi người Mỹ trưởng thành 2.000 USD, trẻ em 1.500 USD trong mùa hè và 1.000 USD trong mùa thu nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng.

Theo kế hoạch này, người có thu nhập cao sẽ không được hưởng gì. Các chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ. Bà Claudia Sahm, nguyên là nhà kinh tế của Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) – chuyên gia hàng đầu về suy thoái kinh tế – nhận xét: “Chúng ta sẽ cần nhiều đợt phát tiền cho dân hơn nữa”. Bà Sahm nhận định tác động kinh tế của dịch cúm Vũ Hán hiện nay là trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng bà nói suy thoái có thể sẽ không kéo dài nếu như các nhà hoạch định chính sách hành động quyết liệt.

Bà Sahm đã thảo luận với một số nhà lập pháp về một chương trình kích cầu có giá trị khoảng 1.500 tỷ USD, bao gồm việc phát tiền cho dân, hỗ trợ tài chính cho các tiểu bang và các doanh nghiệp đang ngấp nghé bờ vực phá sản.

Ông Greg Mankiw, nhà kinh tế trưởng của Tổng thống George W. Bush; và ông Jason Furman, nhà kinh tế trưởng của Tổng thống Barack Obama, đều thúc giục Quốc hội nên phát tiền sớm. Hai ông này cho rằng ngày nay tiền tới tay người dân nhanh hơn nhiều so với năm 2008 một phần vì hình thức deposit trực tiếp vào tài khoản đã phổ thông hơn.

Vả lại, theo hai chuyên gia này, phát tiền cho tất cả mọi người không phân biệt mức thu nhập thì nhanh hơn rất nhiều vì chính phủ không mất thời gian kiểm tra hồ sơ thu nhập của từng người. Sở Thuế liên bang (Internal Revenue Service, IRS) hiện nắm được số tài khoản của khoảng 90% số người trưởng thành đã nộp bản khai thuế trực tuyến năm ngoái. Tiền có thể chuyển tới người nhận nhanh hơn qua việc deposit vào các tài khoản này, hoặc qua hệ thống chi trả tiền an sinh xã hội.

Bà Sahm, chuyên gia về suy thoái kinh tế, khuyến nghị Quốc hội và Tòa Bạch ốc nên gửi sớm đợt check phát tiền đầu tiên và thông tin cho người dân biết rằng họ sẽ còn được nhận thêm nữa nếu tình trạng thất nghiệp và mất việc vượt quá một mức nào đó trong mùa hè này.

Ông Olivier Blanchard – cựu kinh tế gia hàng đầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định thế giới đang trong một cuộc chiến tranh và thúc giục chính phủ Hoa Kỳ không nên hạn chế chi tiêu. Có người lo lắng chương trình kích cầu và phát tiền cho dân có thể khiến ngân sách nước Mỹ tốn thêm 2.000 tỷ USD, tương đương 10% tổng sản lượng quốc gia. Nhưng ông Blanchard cho rằng, trong Thế chiến thứ Hai, thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đã thường xuyên vượt mức 20% GDP.

GOD BLESS ALL OF US

GOD BLESS THE WORLD