Ảnh hưởng của lệnh tạm dừng nhập cư do Covid-19

Ảnh hưởng của lệnh tạm dừng nhập cư do Covid-19

Một sắc lệnh mới của chính quyền Trump hạn chế di dân hợp pháp đến Mỹ trong 60 ngày, bắt đầu từ 24/4, Tổng thống Donald Trump viện dẫn lý do là cần phải bảo vệ công nhân Mỹ và những nguồn lực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ trong đại dịch COVID-19.

Ai chịu ảnh hưởng?

Sắc lệnh ngưng visa thường trú nhân hợp pháp, thường gọi là thẻ xanh, đối với hầu hết những thân nhân trong gia đình công dân Mỹ và những thường trú nhân sống bên ngoài nước Mỹ và không có visa hay giấy tờ du hành hợp lệ. Lệnh này cũng ngưng đơn xin thẻ xanh cho hàng ngàn người đến Mỹ qua những chương trình khác nhau hay qua hệ thống xổ số. Năm mươi ngàn thẻ xanh được cấp hàng năm cho những người thuộc các nước có tỉ lệ di dân thấp vào Mỹ.

Thẻ xanh là gì?

Trong hơn 50 năm, Mỹ cấp thẻ xanh cho những di dân được phép thường trú tại Mỹ. Đối với nhiều người, có được thẻ xanh là bước cuối cùng trước khi đệ đơn xin quốc tịch Mỹ. Theo Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ, thẻ xanh thường được cấp cho các thân nhân công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp, cũng như người tị nạn và những người xin tị nạn được nhận vào Mỹ và một số dạng lao động.

Trong Năm Tài chính 2019, Sở Di trú và Nhập tịch (USCIS) cấp thẻ xanh cho gần 577.000 người.

Ai được miễn áp dụng sắc lệnh?

Theo Nhà Trắng, sắc lệnh không áp dụng cho những người đã có “visa di dân hợp lệ vào lúc sắc lệnh có hiệu lực.”

Thêm vào đó, sắc lệnh không cấm những người đến Mỹ với visa tạm thời để làm việc hay du lịch. Sắc lệnh đặc biệt miễn trừ cho những công nhân làm việc “trong ngành sản xuất thực phẩm và những người trực tiếp giúp bảo vệ chuỗi cung cấp,” cũng như các công nhân nhập cư theo mùa với hợp đồng làm việc tại các khu nghỉ mát hay hội chợ của các quận hạt.

Lệnh cấm cũng không áp dụng đối với những ngành nghề chăm sóc sức khỏe hay nghiên cứu y khoa, trong đó có lao động theo visa H1B- một loại visa cho phép hơn 85.000 người nước ngoài có kỹ năng cao đến Mỹ làm việc ít nhất 3 năm.

Theo sắc lệnh, những người vào Mỹ theo chương trình định cư người tị nạn hay đệ đơn xin tị nạn cũng được miễn trừ, cũng như vợ chồng và con cái của công dân Mỹ hay thường trú nhân. Những miễn trừ khác bao gồm các gia đình quân nhân, các nhà đầu tư di dân, và những người được xem như quan trọng cho “quyền lợi quốc gia.”

Có phải sắc lệnh là rào cản duy nhất cho di dân đến Mỹ hay không?

Không. Trước khi sắc lệnh được ký, nhiều tòa đại sứ Mỹ đã ngưng cứu xét visa vì COVID-19, ảnh hưởng đến những người muốn đến Mỹ theo diện di dân cũng như visa không di dân. Thêm vào đó việc nhận người tị nạn vào Mỹ đã được ngưng kể từ 19/3. Chính quyền cho biết ít nhất trong 1 tháng tới những di dân bị giữ tại biên giới Mỹ-Mexico sẽ tiếp tục bị trả về.

Trong khi đó, một thỏa thuận đạt được mới đây với Canada và Mexico nới rộng hạn chế biên giới đối với việc đi lại không cần thiết cho đến ít nhất giữa tháng 5. Thêm vào đó, việc cấm du hành đối với một số nước vẫn còn hiệu lực cũng như tiếp tục hạn chế du hành vì COVID-19.

Ảnh hưởng thế nào?

Luật sư và những người bênh vực di dân nói với VOA là ảnh hưởng của sắc lệnh khó tiên đoán vì con số di dân đến Mỹ đã chậm lại. Boundless Immigratin, một công ty tại Seattle giúp di dân vượt qua tiến trình di trú tại Mỹ, ước lượng có khoảng 1/3 đơn xin thẻ xanh có thể bị ảnh hưởng vì sắc lệnh di dân ngày 22/4 chừng nào sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực. Đồng sáng lập Bounsless Immigration, ông Doug Rand nói với VOA là lệnh của ông Trump bất thường nhưng không nhất thiết là không phù hợp với luật Mỹ.

“Có một phần của Luật Di dân và Quốc tịch từ nhiều thập niên nay chưa bao giờ được áp dụng một cách tích cực như vậy,’ ông Rand nói. “Luật cho phép Tổng thống quyền chuyên quyết rộng rãi để cấm những người từ nước khác nếu Tổng thống thấy có hại cho quyền lợi quốc gia. Đây là biện minh pháp lý cho chính quyền ông Trump trong năm cấm một số người tại một vài nước đa số theo Hồi Giáo đến Mỹ,

Lao động có visa H1B trong ngành công nghệ thế nào?

Sắc lệnh không áp dụng cho những công nhân có visa không định cư. Tuy nhiên sắc lệnh qui định là các viên chức Mỹ sẽ tái đánh giá chương trình không định cư “trong vòng 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực của sắc lệnh” và có thể khuyến nghị “những biện pháp khác kích thích kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng COVID-19.”

Bà Rosanna Berardi, một luật sư di trú tại Buffalo, New York thấy trước những ảnh hưởng đối với môt loạt các công ty Mỹ nếu sắc lệnh được nới rộng.

“Một số công ty Mỹ lớn nhất như Amazon, Google, Microsoft, Facebook –dựa rất nhiều vào loại visa H1B,” bà Rosanna nói. “Không phải là họ không muốn thuê công nhân Mỹ, họ muốn. Nhanh chóng hơn, đơn giản hơn, dễ hơn và rẻ hơn nếu thuê công nhân Mỹ nhưng không có đủ người Mỹ đủ điều kiện để làm những việc như vậy, hầu hết trong lãnh vực công nghệ.”

Ai hoan nghênh chính sách mới?

Chính quyền ông Trump nói sắc lệnh cần thiết trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị đại dịch virus corona tác hại.

Numbers USA, một tổ chức bênh vực những chính sách hạn chế di dân hoan nghênh sắc lệnh rằng “Đại dịch cho thấy tại sao phải cấp thiết có hành động hành chánh ngưng tạm thời hầu hết di dân và những chương trình thuê mướn lao động nước ngoài trong tình hình thị trường việc làm sụp đổ.”

Trước đây trong tuần ông Trump viết trên Twitter là cần phải hạn chế di dân “giữa bối cảnh cuộc tấn công của Kẻ thù Vô hình (virus corona) cũng như sự cần thiết phải bảo vệ việc làm cho Công dân Mỹ Vĩ đại của chúng ta.”

GOD BLESS ALL OF US

GOD BLESS THE WORLD