COVID-19: Mang bao tay coi chừng tác dụng ngược
Mặc dù Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) không khuyến cáo mang bao tay để ngừa COVID-19, nhiều người vẫn mang thứ này ở nơi công cộng, như chợ, siêu thị. Cả bác sĩ lẫn chuyên gia y tế đều phản đối việc mang bao tay vì không những không hiệu quả, nó còn có thể làm COVID-19 lây lan nhiều hơn, theo FOX News.
Virus lây lan chủ yếu qua đường miệng, không phải qua tay, cho nên không có bằng chứng nào cho thấy bao tay có chút công hiệu nào trong việc giúp người mang tránh nhiễm bệnh. Nguy cơ nhiễm bệnh là khi người ta chạm tay lên mặt, mà có bao tay hay không thì người ta vẫn làm như vậy, theo bà Marilyn Roberts, nhà vi sinh học và giáo sư Khoa Khoa Học Môi Trường và Sức Khỏe Người Lao Động thuộc đại học University of Washington.
“Điều quan trọng nhất là người ta nhiễm COVID-19 từ người khác,” bà Roberts nói với báo The Post. “Không phải họ nhiễm bệnh do chạm vào bề mặt nào đó.”
Mang bao tay – lợi bất cập hại Thậm chí, nếu người mang bao tay không chạm tay lên mặt hoặc điện thoại, khi xài xong mà tháo ra không đúng cách thì có thể sẽ biến bao tay trở thành vật gây lây nhiễm.
Chẳng hạn, năm 2003, các nhà nghiên cứu Canada có nguy cơ nhiễm SARS sau khi tháo bỏ dụng cụ bảo hộ cá nhân không đúng cách. Những trường hợp như vậy là lý do chính khiến bao tay có hại nhiều hơn có lợi, bà Roberts giải thích.
“Đi chợ mà mang bao tay thì cũng không bảo vệ được bao nhiêu,” bà nói. “Vấn đề quan trọng hơn là tháo bỏ không đúng cách.” Và rất có thể người dân thường không biết tháo bao tay sao cho đúng, Bác Sĩ Niket Sonpal, giáo sư Touro College of Medicine ở New York, nhận xét.
“Trong trường y khoa, chúng tôi phải dạy rất nhiều bài về cách đeo và tháo bao tay,” ông Sonpal nói với báo The Post. Y tá, bác sĩ đều được huấn luyện cách tháo bao tay đúng cách: Bấm giữ bao tay ở cổ tay, vừa lộn ngược vừa kéo bao tay ra khỏi bàn tay, và tháo chiếc còn lại sao cho tay không chạm vào bề ngoài của bao tay.
Mặc dù nhân viên y tế cần mang bao tay khi điều trị bệnh nhân để giữ an toàn cho cả hai, người dân thường không cần mang bao tay khi đi chợ. Và gần đây, nhiều người mang bao tay xong vứt bỏ bừa bãi, khiến virus dễ lây lan nếu người khác chạm vào thứ rác đó, bà Roberts cảnh báo.
Bao tay khiến người mang tưởng được an toàn nhưng không phải vậy Cả bà Roberts lẫn ông Sonpal đều cho rằng vấn đề lớn nhất là bao tay khiến người mang tưởng được an toàn nhưng thực ra không phải vậy, do đó khiến họ dễ cẩu thả.
“Hôm nọ đi chợ Trader Joe’s, tôi thấy nhiều người mang bao tay nhưng lại chạm tay vô chìa khóa, xe đẩy mua hàng, thức ăn, và cả lên mặt,” ông Sonpal kể. “Người ta sẵn sàng chạm tay vô mọi thứ vì nghĩ rằng có bao tay bảo vệ. Nhưng chính bao tay bị dính bẩn nên có thể làm virus lây lan thêm.” Thay vì mang bao tay, CDC khuyên sử dụng kiến thức thông thường để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh khi đi chợ.
Chẳng hạn như lên danh sách những thứ cần mua để khỏi tốn thời gian suy nghĩ và tiết kiệm thời gian trong chợ. Khi ở bên trong chợ thì nhớ đứng cách người khác 6 ft (1.8 mét). Người nào xài dịch vụ trả tiền điện tử, như Apple Pay, thì nên dùng. Và nên đi chợ vào lúc vắng khách, như sáng sớm hoặc cuối ngày. Quan trọng nhất, đi chợ xong phải rửa tay.
Về chuyện khử trùng hàng hóa khi mua về, làm như vậy có lẽ cũng quá lố, theo Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA). Chỉ cần rửa tay Các chuyên gia đều đồng ý rằng rửa tay bằng nước với xà bông cũng hiệu quả, có thể còn hiệu quả hơn cả nước rửa tay khô vốn đang khan hiếm.
“(Nước rửa tay khô) có thể làm da tay bị khô, dễ rạn nứt, từ đó, thứ gì cũng có thể xâm nhập,” bà Roberts giải thích.
Đối với những người vẫn muốn mang bao tay, các chuyên gia khuyên sau khi tháo ra thì nên rửa tay để tẩy sạch bất kỳ vi trùng nào có thể còn bám trên da tay.
GOD BLESS ALL OF US
GOD BLESS THE WORLD