Dân chơi đến Grand Canyon

Ai từng đến Mỹ, đi chơi Las Vegas, chết sống gì cũng làm một cú cỡi ngựa xem hoa vực Grand Canyon, nơi đây là 1 trong 7 kỳ quan thế giới. Nhưng chỉ đến trên bờ vực Grand Canyon, rồi nhìn nhìn ngắm ngắm, làm vài tấm ảnh chụp quang cảnh, tự chụp chính mình, thì nó chẳng khác nào đến viếng Chùa nhưng dừng lại ở cổng Chùa, chụp tấm ảnh rồi lui bước ra về và tràn đầy hình ảnh kháo với thiên hạ.

Đời người phí công một chuyến đi xa. Để thực sự đến với Grand Canyon, sống với Grand Canyon, thấm cái hồn thiêng sông núi Grand Canyon vào người, nó đòi hỏi khách chơi phải cuốc bộ từ bờ Nam, xuống tận đáy vực, vượt con sông Colorado giữa vực, rồi bò bộ lên bờ Bắc, rồi xuống trở lại đáy vực, vượt sông, bò trở lên bờ Nam về lại điểm xuất phát. Hành trình mất trung bình 3 đến 5 ngày.

Khách dân chơi ít người được diễm phúc có cả tuần lễ phung phí, chưa nói tới chuyện đi cả ngày đường xuống vực, đầu gối, cổ chân và 10 đầu ngón chân tê buốt, hết pin bò trở lên. Đa số trên 95% du khách được xe bus đổ xuống, họ có vài giờ quanh quẩn trên bờ vực, làm những gì cần làm rồi lên xe chuồn về khách sạn đầy đủ tiện nghi ở Vegas.

Và trong họ chẳng mấy ai hiểu được do đâu, vì sao, giữa cảnh trời đất mênh mông này, lại có cái vực đất nứt ra làm đôi, chỗ hai bờ cách nhau xa nhất khoảng gần 20km, sâu từ trên miệng vực xuống đáy vực khoảng 2km. Không chỉ riêng họ, cho tới giờ phút này, chính những nhà khoa học, nghiên cứu, khảo cổ, vẫn còn tranh cãi nguyên do gì vực Grand Canyon hình thành. Không phe phái nào nhượng bộ phe phái nào, phe nào cũng có giả thuyết riêng.

Cứ tạm coi giả thuyết dòng sông Colorado trở về thời gian nhiều triệu triệu năm về trước, một trận đại cuồng thủy nào đó, dòng sông hung hãn với lượng nước khổng lồ, chảy xiết ngày đêm làm xói mòn hai bên bờ, rồi ăn lõm xuống, càng ngày càng lõm xuống miền thổ nhưỡng đá Navajo sandstone, khiến nó có chiều sâu 2km từ miệng vực, chuyện lạ chỉ có ở Grand Canyon.

Không phải dòng sông chảy xiết đào bới vực, mà phải kể tới thời đại băng đá, chính đá đóng băng, và khối lượng băng đá liên tục chuyển dịch, và sức nặng kinh hồn của băng đá là yếu tố chính nạo vét hai bên bờ, khoét nó sâu xuống lòng đất thành vực.

Cho là giả thuyết này đúng, dòng sông Colorado khởi nguồn từ trung tâm bang Colorado, chảy về khu vực đá cát Navajo sandstone, nạo vét thành vực … thì trước khi sông Colorado về đến Grand Canyon, nó đi qua cũng miền đá cát Navajo sandstone tại thành phố Page bang Arizona (ngày nay), sông chảy đến đâu nạo vét đá cát Navajo sandstone đến đó. Điều lạ, cả kỳ dị lẫn kinh dị, là tới khu này, gặp phải “tảng đá” lớn, nó không chẻ đôi nổi tảng đá, chẳng tống “tảng đá” qua một bên, mà chính dòng sông “hung dữ” này tìm cách uốn khúc, và tìm đường chảy về chỗ trũng. Sông né cục đá khổng lồ, lâu ngày, triệu triệu năm tháng, nó nạo vét đường cho nước chảy giống như cái móng ngựa. Khu vực này đặt tên là công viên Horseshoe Bend.

Tại sao có chuyện lạ lùng đến như vậy? Dòng sông thừa sức nạo vét cả vùng đá thành vực dài gần 450km, một vết hằn trên lưng ngựa hoang vào quả địa cầu, có thể quan sát vực từ không gian ngoài quỹ đạo trái đất, nhưng đụng phải “tảng đá”, nó đành uốn hình móng ngựa, rồi nạo vét thành hình thù kỳ dị như trong ảnh? Chuyện lạ và ai giải thích được sự sắp đặt này của Thượng Đế!

Đến chơi Horseshoe Bend, để chụp được ảnh đẹp phải gieo quẻ canh giờ. Nói một cách nôm na, với dân chơi chụp ảnh thì giờ hoàng đạo nó quanh quẩn ở vào lúc trời sáng hừng đông và trời chiều chạng vạng hoàng hôn. Giờ khác, khi mặt trời đứng bóng, vác máy ảnh bấm xoẹt xoẹt nó chẳng khác nào khui lon nước Coke không còn gas tu ừng ực, nhạt phèo.

Đến Page chụp ảnh Horseshoe Bend là phải đến lúc sáng sớm hừng đông, đá đỏ lên nước rất đẹp. Hôm đến đúng vào giờ chiều chạng vạng, thành ra ngược nắng. Có tấm ảnh hằng trăm phó nhòm xỉa máy hướng về phía mặt trời lặn, chẳng biết họ chụp gì. Trong khi đó, hướng máy ảnh về phía họ, mặt trời sau lưng, mọi thứ lên nước, y như thật!